Browsing "Older Posts"

Đối Tượng Nào Được Ưu Tiên Trong Đợt Tiêm Vắc-Xin Này

 Những đối tượng nào được ưu tiên trong chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất sắp tới?

 

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam.


Sáng ngày 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 năm 2021-2022.


GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc-xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc-xin về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc-xin về Việt Nam.

Đối Tượng Nào Được Ưu Tiên Trong Đợt Tiêm Vắc-Xin Này
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế. (Ảnh: Trần Minh)


Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vắc-xin, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch.


Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.


“Chúng ta cắt ngắn thủ tục hành chính, nhưng không được cắt ngắn quy trình chuyên môn, phải khám  sàng lọc chặt chẽ. Việc hoãn tiêm đối với những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng phải làm chặt chẽ. Ngay từ bây giờ phải lập danh sách đối tượng tiêm, để tiến hành sàng lọc xem đối tượng nào sẽ tiêm tại bệnh viện, đối tượng nào tiêm ở cơ sở y tế hay điểm tiêm lưu động”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.


Bộ trưởng Y tế khẳng định: Về mặt chuyên môn trong chiến dịch tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tối đa.


Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 nhấn mạnh là “tất cả các liều vắc-xin về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào”.


Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng.


“Một điểm tiêm có bao nhiêu liều vắc-xin được phân bổ về, bao nhiêu người tiêm, còn lại bao nhiêu liều phải quản lý chặt chẽ. Cùng đó việc theo dõi chặt về nhiệt độ bảo quản vắc-xin nhằm đảm bảo chất lượng với vắc-xin được quan tâm sâu sát. chặt chẽ. Đây chính là lý do ban Chỉ đạo lập tiểu ban quản lý chất lượng vắc-xin”


Việc phân bổ vắc-xin sẽ tiếp tục được công khai minh bạch, phân bổ cho các điểm tiêm bao nhiêu, tiêm bao nhiêu liều, còn lại bao nhiêu để người dân giám sát chặt chẽ… Dự kiến, có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn.


TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, theo dự thảo Kế hoạch, thời gian triển khai Chiến dịch diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022. Trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Tới hết quý 1/2022 sẽ có trên 70% dân số được tiêm vắc-xin.


Chiến dịch được triển khai trên toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch. Các tỉnh thành phố nguy cơ (có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế…)..


Ông Tấn lưu ý, vấn đề chuẩn bị vật tư, dây chuyền lạnh và nhân lực cho tiêm chủng là rất cần thiết, do đó các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về các nội dung này.


Đối với các cơ sở tiêm chủng cần phải tuân thủ giãn cách, có thể tiêm theo khung giờ để đảm bảo an toàn phòng chống dịch và thực hiện hiệu quả quản lý tiêm chủng bằng công nghệ.


Về vấn đề đảm bảo an toàn tiêm chủng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ phải kiện toàn các đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm khi cần. Cơ sở điều trị tổ chức tiêm cho đối tượng cần theo dõi đặc biệt: như có bệnh nền…

Nguồn: http://danviet.vn/nhung-doi-tuong-nao-duoc-uu-tien-trong-chien-dich-tiem-vac-xin-lon-nhat-sap-toi-502021271216602.htm

Theo Thái Bình - Diệu Thu (Dân Việt)

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Sáng 30-6 Trong Nước Thêm 93 Ca Mắc COVID-19 Phần Lớn Ở TP.HCM

 Sáng 30/6, thêm 93 ca mắc COVID-19 trong nước, phần lớn ở TP.HCM.


Sáng nay, TP.HCM tiếp tục có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước (62 ca).


Sáng 30/6 Trong Nước Thêm 93 Ca Mắc COVID-19 Phần Lớn Ở TP.HCM


Bộ Y tế cho biết, sáng 30/6 có 94 ca mắc mới. Bệnh nhân có mã số từ 16414-16507 trong đó có 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Ninh Bình.


93 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (62 ca), Phú Yên (21 ca), Nghệ An (4 ca), Bắc Giang (3 ca), Bình Định (3 ca); trong đó 87 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.


Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 14.717 ca ghi nhận trong nước và 1.790 ca nhập cảnh.


Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 13.147 ca, trong đó có 3.990 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.


Hôm nay, có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.


Có 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.


Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 3.070.425 xét nghiệm cho 7.235.755 lượt người.


Chi tiết 93 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước sáng 30/6


Bắc Giang: 3 ca


3 ca ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là các trường hợp trong khu cách ly và khu vực đã được phong toả.


Nghệ An: 4 ca


4 ca ghi nhận tại tỉnh Nghệ An là các trường hợp F1, đã được cách ly.


Bình Định: 3 ca


3 ca ghi nhận tại tỉnh Bình Định có tiền sử đi về từ Quảng Ngãi đã chủ động khai báo y tế và được cách ly.


Phú Yên: 21 ca


21 ca ghi nhận tại tỉnh Phú Yên là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.


TP.HCM: 62 ca


Trong số 62 ca ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh có 51 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 3 ca liên quan đến chợ Sơn Kỳ - Tân Phú, 1 ca liên quan đến Khu công nghiệp Tân Phú Trung, 1 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, 6 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.


Trong đợt dịch thứ 4 lần này, TP.HCM là địa phương có số lượng bệnh nhân COVID-19 cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang. Ngoài ra, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Phú Yên, Vĩnh Long..., có số lượng ca mắc tăng nhanh.


Về điều trị, đến nay số ca tử vong của Việt Nam là 78 ca. Số ca điều trị khỏi là 6.764 ca.


Về tiêm chủng, riêng ngày 29/6, có thêm 91.228 người được tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.


Tính đến 16 giờ ngày 29/6/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm 3.593.970 liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 là 182.481 người.


TP.HCM có số lượng người được tiêm vắc-xin cao nhất cả nước trong ngày 29/6 với 61.284 người.


Chiều 29/6, Bộ Y tế cho biết, 1 triệu liều vắc-xin COVID-19 do Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam dự kiến được chuyển đến vào ngày 1/7 và 8/7. Như vậy, cùng với lô vắc-xin này cung cấp vào ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng 2 triệu liều AstraZeneca.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng vừa đề xuất Ngân hàng Thế giới có những dự án viện trợ không hoàn lại, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng, nghiên cứu, phát triển vắc-xin COVID-19 cũng như công tác phòng, chống dịch.


Nguồn: http://danviet.vn/sang-30-6-them-93-ca-mac-covid-19-trong-nuoc-phan-lon-o-tphcm-5020213066213599.htm


Theo: Dịu Thu (Dân Việt)

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Để Lọt F0 Vào Địa Bàn Quảng Ninh Cán Bộ Quân Đội Và CSGT Bị Kiểm Điểm

 Quảng Ninh: Kiểm điểm cán bộ quân đội, CSGT vụ để lọt F0 vào địa bàn.

 

TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã thay đổi cơ bản nhân sự trực chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Bạc.

Để Lọt F0 Vào Địa Bàn Quảng Ninh Cán Bộ Quân Đội Và CSGT Bị Kiểm Điểm
Chốt kiểm soát liên ngành cầu Đá Bạc qua địa bàn TP Uông Bí (Quảng Ninh)


TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan đến việc để ca F0 vào địa bàn đêm 20/6.


Từ báo cáo giải trình của các đơn vị liên quan cũng như kết quả công tác điều tra, TP Uông Bí đã xác định trường hợp F0 T.T.T chưa trung thực khi khai báo y tế qua chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Bạc.


Về quy trình kiểm soát dịch Covid-19 đối với trường hợp T.T.T tại chốt cầu Đá Bạc đã đúng quy định, tuy nhiên một số khâu còn có lỗ hổng, nhất là trong công tác khai báo y tế.


Qua sự việc, các lực lượng trực chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Bạc cũng như các lực lượng liên quan rút kinh nghiệm sâu sắc.


Cá nhân đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự TP Uông Bí trực tiếp thực thi ca trực đêm 20/6 cũng là Tổ trưởng chốt kiểm soát cầu Đá Bạc phải viết tường trình, kiểm điểm và bị đưa ra xem xét xử lý theo quy định.


Cá nhân đồng chí lãnh đạo Công an TP Uông Bí phụ trách lĩnh vực giao thông, lãnh đạo Đội CSGT và 2 cán bộ Đội CSGT trực tiếp thực thi nhiệm vụ ca trực đêm 20/6 bị hạ mức đánh giá thi đua.


TP Uông Bí cũng sẽ thay đổi cơ bản nhân sự của chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Bạc và tăng cường thêm lực lượng cho chốt trực này; yêu cầu tất cả các phương tiện đến từ vùng dịch quay đầu khi đến chốt; thực hiện triệt để quy định kiểm soát, đồng thời khắc phục ngay những bất cập trong công tác khai báo y tế.


Trước đó, UBND TP Uông Bí đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Uông Bí phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố và các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” để điều tra, làm rõ sai phạm của người có liên quan và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.


Được biết, chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 cầu Đá Bạc được TP Uông Bí tái lập ngày 7/5/2021, gồm 8 lực lượng tham gia, bao gồm: Ban chỉ huy Quân sự, Công an, Phòng Y tế, Đoàn Thanh niên, Trung tâm Y tế, Đội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh, Thanh tra giao thông tỉnh.


Chốt kiểm soát liên ngành có nhiệm vụ kiểm soát người và phương tiện vào địa bàn nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ ngày tái lập 7/5/2021 đến hết ngày 27/6/2021, chốt đã kiểm soát 137.375 lượt phương tiện và 183.913 lượt người vào địa bàn tỉnh; đã phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm về quy định phòng, chống dịch đồng thời buộc 462 phương tiện phải quay đầu do không đủ các điều kiện theo quy định.


Để Lọt F0 Vào Địa Bàn Quảng Ninh Cán Bộ Quân Đội Và CSGT Bị Kiểm Điểm
Do để lọt F0 vào địa bàn, một số địa phương của Quảng Ninh phải tái lập chốt kiểm soát phòng chống dịch

Trước đó, ngày 24/6, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của Quảng Ninh đã họp khẩn trực tuyển đến 13 địa phương trong tỉnh khi phát hiện ca bệnh 14245 liên quan đến chuyến xe khách chạy tuyến Bắc Nam (Hồ Chí Minh - Hải Phòng; BKS 15B-036.84).


Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của Quảng Ninh đã cho ý kiến kết luận và chỉ đạo nhiều nội dung liên quan, trong đó đã yêu cầu Giám đốc Sở GTVT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm công tác quản lý vận tải, vận chuyến hành khách công cộng đế mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn, để phát sinh ca F0 trong cộng đồng; kịp thời rà soát, bổ sung ngay những sơ hở, bất cập trong kiểm soát dịch bệnh đối với lái xe, phụ xe, hành khách ngoại tỉnh ra vào tỉnh.


Giao Công an tỉnh tiếp tục củng cố, thu thập thông tin, hồ sơ về các ca F0 và những trường hợp có liên quan; xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật trong trường hợp thiếu hợp tác, khai báo không đầy đủ, không trung thực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng…


Nguồn: Quang Minh (Báo Giao Thông)

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021