Chi Phí Mổ Xẹp Cột Sống Và Những Điều Bạn Cần Biết
Mổ xẹp cột sống là phương pháp điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa, được áp dụng khá phổ biến trong y khoa. Tuy nhiên, mổ xẹp cột sống chỉ được chỉ định thực hiện với trường hợp bệnh nặng và không thuyên giảm sau điều trị nội khoa. Dựa vào mức độ bệnh trạng ở mỗi người, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp mổ sao cho phù hợp.
Mổ xẹp cột sống là gì? Khi nào nên áp dụng?
Xẹp cột sống là hiện tượng thân đốt sống trên cột sống bị gãy vỡ và sụt giảm về chiều cao. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức kéo dài, giảm khả năng vận động và mất chiều cao. Một số nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến là chấn thương, loãng xương, thoái hóa đốt sống hay ung thư xương. Khi có dấu hiệu của bệnh, bạn nên thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương tại cột sống để tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị.
Điều trị bảo tồn được ưu tiên áp dụng trong y khoa với các phương pháp như dùng thuốc, vật lý trị liệu, nẹp lưng,… Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa, thường được áp dụng cuối cùng khi phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định thực hiện với những trường hợp sau đây:
- Nhiều đốt sống bị gãy xẹp cùng lúc, đau nhức diễn ra kéo dài trên 2 tháng.
- Xẹp cột sống chèn ép rễ thần kinh và tủy sống gây mất khả năng vận động.
- Tình trạng gãy xẹp diễn ra ở mức độ nặng khiến cột sống bị mất vững.
Mục đích của việc phẫu thuật là phục hồi đốt sống bị thương, ổn định cấu trúc cột sống và phục hồi chức năng thần kinh. Đồng thời, phẫu thuật còn có tác dụng giải phóng áp lực lên các rễ thần kinh, từ đó cơn đau sẽ thuyên giảm đáng kể và hạn chế các tổn thương trong tương lai.
Các kỹ thuật mổ xẹp cột sống
Hiện tại, y khoa cho hai kỹ thuật mổ xẹp cột sống được áp dụng phổ biến là bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da và hợp nhất cột sống. Dựa vào mức độ tổn thương ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh kỹ thuật mổ phù hợp. Cụ thể là:
Phẫu thuật bơm xi măng qua da
Phương pháp này được tiến hành bằng cách bơm xi măng sinh học vào trong đốt sống bị tổn thương thông qua da. Sau khoảng 4 tiếng, xi măng sẽ đông cứng lại hoàn toàn giúp tạo hình đốt sống bị tổn thương và nâng chiều cao của thân đốt sống. Sau điều trị, triệu chứng đau nhức tại cột sống sẽ thuyên giảm rõ rệt, người bệnh có thể đứng dậy đi lại một cách bình thường
Chuyên gia cho biết, bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, có độ an toàn và mang lại hiệu quả cao. Thời gian phục hồi sau điều trị cũng diễn ra rất nhanh chóng, bạn có thể di chuyển ngay sau khi xi măng đã đông cứng.
Các trường hợp sẽ được chỉ định thực hiện bơm xi măng tạo hình đốt sống qua da là gãy xẹp cột sống gây đau nhức và phù nề thân đốt sống, tăng cường độ cứng của thân đốt sống trong phẫu thuật hàn xương, làm cứng dự phòng cho các đốt sống bị yếu trước khi làm phẫu thuật cố định cột sống.
Phẫu thuật cố định cột sống
Mục đích của việc phẫu thuật cố định cột sống là loại bỏ các tổn thương tại thần kinh, giữ vững cột sống, giảm đau nhức và ngăn ngừa tổn thương tiến triển trong tương lai.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành giải nén rễ thần kinh và loại bỏ các chuyển động giữa hai đốt sống. Số lượng đốt sống cần hợp nhất còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh, có thể hai hoặc nhiều hơn. Sau phẫu thuật, các đốt sống bị tổn thương sẽ được cố định với nhau bằng vít và thanh kim loại khiến chúng không thể di chuyển được nữa.
Phẫu thuật cố định cột sống thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị gãy xẹp cột sống ở mức độ nghiêm trọng gây biến dạng cột sống, cột sống bị mất vững, tổn thương phần mềm đi kèm,…
Quy trình mổ xẹp cột sống
Mổ xẹp cột sống cần được thực hiện theo quy trình đạt chuẩn để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như hiệu quả mang lại. Dưới đây là quy trình thực hiện cơ bản mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Trước khi phẫu thuật
Người bệnh cần được điều trị bảo tồn để kiểm soát triệu chứng đau nhức. Sau đó, tiến hành kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng để đánh giá mức độ tổn thương cũng như tình trạng mất vững cột sống.
Nếu xác định làm phẫu thuật, người bệnh không được ăn uống bất kỳ thứ gì trong đêm trước khi làm phẫu thuật và ngưng thuốc điều trị trong ít nhất 24 giờ.
Quy trình phẫu thuật
Khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện theo các bước sau đây:
+ Phẫu thuật bơm xi măng qua da
- Xác định điểm vào thân đốt sống bị tổn thương thông qua cuống trên C-arm.
- Tiến hành gây tê tại vùng cần chọc kim, bơm thuốc cản quang và sử dụng tia X để kiểm tra thành đốt sống.
- Pha trộn xi măng rồi tiến hành bơm vào trong đốt sống, quá trình bơm cần được diễn ra từ từ dựa trên hình ảnh và sự kiểm soát của C-arm.
- Theo dõi triệu chứng lâm sàng của người bệnh, kiểm tra vùng tiêm lại một lần nữa bằng C-arm hai bình điện rồi nhẹ nhàng rút kim bơm.
- Tiến hành băng vết mổ và chờ cho xi măng đông cứng lại.
+ Phẫu thuật cố định cột sống
- Để người bệnh nằm ở tư thế dễ phẫu thuật nhất. Nằm sấp với những trường hợp tổn thương vùng ngực, nằm ngửa với tổn thương vùng cổ, nằm nghiêng với tổn thương ở vùng lưng hoặc thắt lưng. Đồng thời, phần đầu của người bệnh sẽ được giữ cố định vào trong khung gá đầu.
- Tiến hành gây mê toàn thân, tiêm hỗn hợp Adrenaline và Lidocaine vào cơ thể người bệnh để hạn chế lượng máu chảy.
- Dùng dao phẫu thuật tạo một vết mổ lớn trên da dọc theo đường giữa cột sống rồi tiến hành tách cơ sang hai bên.
- Loại bỏ phần thân đốt sống và đĩa đệm bị tổn thương. Tiến hành cấy ghép thiết bị kim loại và cố định lại bằng vít kim loại.
- Ghép xương tự thân hoặc xương nhân tạo vào giữa các đốt sống để hạn chế tình trạng ma sát.
- Kiểm tra đoạn cột sống được hợp nhất một lần nữa, khâu vết mổ rồi băng bó vết thương.
Chăm sóc sau phẫu thuật
Với những trường hợp bơm xi măng qua da để tạo hình đốt sống, người bệnh có thể đi lại và ra về ngay sau khi xi măng đông cứng lại. Còn với trường hợp phẫu thuật cố định cột sống, người bệnh cần nằm viện từ 3 – 4 ngày để được theo dõi. Đồng thời, người bệnh cũng cần phải chăm sóc đúng cách sau phẫu thuật để tránh các biến chứng không mong muốn. Cụ thể là:
- Giữ cho vết mổ luôn khô và sạch sẽ để tránh bị nhiễm trùng vết mổ. Mang nẹp cố định để hạn chế đau đớn cũng như các tổn thương thứ phát khác.
- Thực hiện các bài tập như co cơ, vận động nhẹ trên giường, tập xuống giường và đi lại với thiết bị hỗ trợ,… sau khoảng vài giờ phẫu thuật để sớm phục hồi chức năng.
- Người bệnh cần vận động trở lại sau khi vết thương đã lành để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và hình thành cục máu đông. Vận động còn kích thích tuần hoàn máu bên trong cơ thể và đẩy nhanh quá trình hồi phục.
- Tiến hành phục hồi chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ giúp tăng cường sức mạnh cơ hỗ trợ, ổn định cột sống, giảm đau nhức và lấy lại sự linh hoạt cho cột sống.
Mổ xẹp cột sống có nguy hiểm không?
Mổ xẹp cột sống là phương pháp điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa nên sẽ tồn tại một số rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, việc phát sinh rủi ro là khá hiếm gặp, đặc biệt là với những trường hợp điều trị bằng cách xâm lấn tối thiểu.
Đa số các bệnh nhân tiến hành phẫu thuật bơm xi măng qua da để tạo hình thân đốt sống đều không gặp rủi ro sau điều trị. Nhưng với những trường hợp mổ cố định cột sống có thể gặp phải một số biến chứng như chảy máu nhiều, rò rỉ dịch não tủy, nhiễm trùng, tổn thương các phần mềm lân cận, rối loạn cảm giác,…
Những điều cần lưu ý khi mổ xẹp cột sống
Mổ xẹp cột sống mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Vì thế, bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành điều trị bệnh bằng phương pháp này. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, chỉ nên phẫu thuật khi thực sự cần thiết và có sự yêu cầu từ bác sĩ. Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi mổ xẹp cột sống bạn có thể tham khảo:
- Thăm khám sức khỏe thật kỹ trước khi làm phẫu thuật, cần thông báo cho bác sĩ nếu đã từng bị dị ứng thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc mê. Tuyệt đối không dùng thuốc Tây y và không hút thuốc lá trong vài ngày trước khi tiến hành phẫu thuật điều trị bệnh.
- Không tiến hành mổ xẹp cột sống với những trường hợp bệnh nhẹ chưa gây tổn thương đến cấu trúc cột sống, bị nhiễm trùng tại chỗ cần can thiệp hoặc nhiễm trùng toàn thân, bị rối loạn đông máu, xẹp cột sống không gây đau hoặc ít đau, suy hô hấp hoặc sốc tủy,…
- Sau phẫu thuật, nên sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa giúp cải thiện các cơn đau nhức và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Không sử dụng thuốc NSAID ít nhất trong 6 tháng sau phẫu thuật.
- Thông báo ngay cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường sau phẫu thuật như táo bón, rối loạn nhu động ruột, sưng nề vết mổ,…
- Hạn chế các thói quen xấu gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phục hồi tổn thương sau phẫu thuật. Cụ thể là uống rượu bia hoặc hút thuốc lá, mang vác vật nặng, vận động gắng sức, đứng hoặc ngồi lâu một chỗ,…
- Tiến hành phục hồi chức năng theo chỉ định của bác sĩ và sử dụng nẹp cố định đoạn cột sống bị tổn thương. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn trở lại hoạt động thể chất, quan hệ tình dục, lái xe,…
- Chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể thông qua các nhóm thực phẩm lành mạnh để phục hồi thể trạng sau phẫu thuật. Ví dụ như vitamin, khoáng chất, omega-3,…
Chi phí mổ xẹp cột sống
Chi phí mổ xẹp cột sống còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp mổ, vị trí tổn thương, bác sĩ thực hiện, cơ sở thực hiện… Với những trường hợp phẫu thuật bơm xi măng sinh học để tạo hình đốt sống, chi phí sẽ giao động ở mức từ 25 – 35 triệu. Còn với trường hợp phẫu thuật cố định cột sống thì chi phí sẽ cao hơn, dao động từ 30 – 50 triệu. Dựa vào dịch vụ mà người bệnh lựa chọn, mức chi phí này có thể cao hơn nữa. Để biết được chính xác chi phí điều trị, bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định mức độ bệnh trạng và tư vấn cụ thể.
Bài viết trên đây được Đông Y Gia Truyền Tấn Khang tổng hợp những thông tin cần biết về phương pháp mổ xẹp cột sống cũng như chi phí mổ bạn có thể tham khảo. Mổ xẹp cột sống thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp bệnh nặng và không đáp ứng điều trị nội khoa. Phẫu thuật có tác dụng ổn định cột sống, cải thiện triệu chứng của bệnh và phục hồi chức năng vận động. Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để xác định mức độ bệnh trạng và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Đông Y Gia Truyền Tấn Khang chúc bạn sức khỏe và thanh công.
NHẬN XÉT CỦA BẠN